Wednesday, July 17, 2013

Ước muốn của phụ nữ : Yêu chàng trai biết rửa bát ?

Hôm nọ, người bạn nước ngoài và tôi tình cờ nhắc đến bài Hãy yêu một chàng trai biết rửa bát. Cậu ta nói gần như tất cả bạn bè của cậu ta đều share bài này, và thêm vào:

"Mày biết tao nghĩ gì không, thực sự chỉ có phụ nữ Việt Nam mới có tiêu chuẩn thấp đến thế."

Tôi lặng lẽ khoảng vài tích tắc bởi tôi nhận ra đó là sự thật. Một sự thật đến nhói đau cho cả một nền văn hóa mà người ta tự nhận là trọng hai chữ "Tình Nghĩa".

Tiêu chuẩn của phụ nữ Việt Nam là lấy ông chồng biết rửa bát ?



Tình Nghĩa của người Việt Nam sở dĩ có và tồn tại, bởi một thứ gọi là quyền lực vô hình mà người này có với người kia. Bạn hơn với bạn kém. Cha mẹ và con cái đổi chỗ cho nhau từng thời kỳ. Chồng với vợ.

Một khi thứ quyền lực đấy được mặc nhiên công nhận, thì người ta dường như ít quan tâm đến những thứ gọi là "chia sẻ", "trách nhiêm chung", "ý thức". Người ta sẽ tự động phân ra vai vế trong xã hội và vai trò trong gia đình, nó hiển nhiên ăn sâu vào tâm lý của mỗi người qua biết bao nhiêu thế hệ, chúng ta nhìn nhận cách những người bố đối xử với những người mẹ, và cách những người mẹ phản ứng với điều đó.

Người ta bảo, muốn biết một người đàn ông đối xử với mình ra sao khi kết hôn, hãy xem cách bố anh ta đối xử với vợ mình.

Khi đó những người phụ nữ Việt Nam bắt đầu ước những điều nhỏ nhặt nhất, từ chuyện chồng không về nhà muộn mà không báo trước, chuyện mong chồng chia sẻ việc nhà, mong chồng bế con nhiều hơn, cho đến những chuyện nhạy cảm hơn như mong đấng lang quân không leo lên người hùng hục 5 phút rồi lăn ra ngủ mà không để tâm đến cảm giác của các chị.

Tại sao phải ước? Bởi vì họ không có. Cái quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nó đã có từ bao nhiêu đời nay rồi?

Nếu bạn hỏi một phụ nữ phương Tây, họ sẽ nói cho bạn biết mẫu người chồng hoàn hảo của họ. Thành đạt, độc lập, có lý tưởng, và yêu họ.

Phụ nữ Việt Nam? Hầu hết sẽ thêm "đức tính" chia sẻ việc nhà vào.

Trong khi điều đó là quá hiển nhiên với những người đàn ông đến từ văn hóa khác. Những nơi mà các cậu trai rời nhà năm 18 tuổi và bắt đầu cuộc sống tự lập, tự nấu ăn, giặt giũ, lau nhà, rửa bát; nơi mà họ không có các bà mẹ cơm bưng nước rót và lo từng tí cho cậu quý tử. Những nơi mà người phụ nữ họ sẽ không âm thầm chịu đựng một cuộc sống mà mình phải gánh vác tất cả để giữ cho một thứ gọi là "gia đình" tồn tại. Những nơi mà dù là đàn ông, hay phụ nữ, thì cảm giác của họ vẫn là điều kiện tiên quyết để quyết định buông tay hay níu giữ một mối quan hệ.

Gia đình là cái mà một mình người vợ có thể xây dựng nên khi các ông chồng chỉ cần đưa tiền đủ hằng tháng ư?

---

Tôi gật đầu với người bạn của mình, mày nói đúng, mỗi xã hội đều có những mặt sáng và tối, những quy chuẩn làm nên con người khác nhau. Ở đây con người kỳ vọng rất thấp. Đàn ông muốn có người vợ có thể nấu ăn, trong khi họ hoàn toàn có thể làm điều đó khi cô ấy trông con. Còn phụ nữ, họ mong mỏi có người chồng có thể đứng lên rửa bát cho cô ấy, bởi vì chia sẻ việc nhà là công việc quá ư xa xỉ.

Ở một đất nước mà chúng ta kỳ vọng quá thấp vào những người chia sẻ nửa phần đời với mình, liệu có đáng thương không?

Còn nếu kỳ vọng quá cao, hẳn sẽ là cô đơn đi?

No comments:

Post a Comment