Monday, June 10, 2013

Hạt cơm ...

Người ta bảo chán cơm xuống lỗ, vậy là hạt cơm đã đại diện cho sự sống từ khi nào ... Mẹ tôi bảo: "chỉ có cơm mới làm no, còn cái gì ăn rồi cũng chán" ...

Để có được một hạt cơm, thỳ hạt thóc đã chịu bao khó khăn nhục nhằn trong sự sinh tồn và chà đạp. Đầu tiên hạt thóc  được ngâm nước cho chương lên, hạt thóc khô gầy thấy nước liền nở ra, thò những dễ trắng phau đầy sức sống, nó dài thêm nữa để hút thêm nước, người nông dân lấy hạt thóc ấy mang đi gieo thành mạ, hạt thóc gặp đất liên bám chặt dễ xuống, bíu lấy đất mẹ mà hút chất dinh dưỡng, chỉ vài ngày sau, chiếc lá đầu tiên đã thò ra mà hứng ánh mặt trời, hạt thóc ẩn chứa trong nó một sức sống mãnh liệt, nó chớp lấy cơ hội mà lên xanh mơn mởn chỉ trong đôi ba tuần. Cây mạ chịu đủ thứ khắc nghiệt của thiếu chất dinh dưỡng, chật hẹp, những cây nào yếu ớt sẽ bị các cây khác hứng hết ánh sáng và đè cho tới khi chết đi, vụ chiêm, những cây mạ còn phải chịu đựng những nào là rét mướt mưa gió trong cái tiết trời xuân. Tôi nhớ có năm mẹ tôi còn gieo mạ trên sân, che rét kỹ càng mà nó vẫn cứ chết...

Lại thêm một lần nữa nó dành lấy sự sống. Đây là cơ hội khác để nó "đổi đời". Sau một tháng nằm trong ruộng mạ chật hẹp làm "trẻ con", người nông dân lại nhổ nó lên, xén ngọn của nó đi, dùng thân xác của những mẹ rơm mà bó chúng lại với nhau thật chặt, cây mạ chịu đau đớn đến héo rũ, nhựa của chúng chảy ra từ những vết cắt nhanh chóng khô lại, toả ra một thứ mùi thơm lạ lạ, người ta hay ví von "hương tóc mạ non" là thế. 

Người nông dân chuyển những bó mạ ấy ra ruộng đã được cày bừa kỹ càng lắm, lấy nước xâm xấp vừa đủ để cấy. Họ hướng tấm lưng về phía trời, vụ mùa tấm lưng ấy che nắng, vụ chiêm tấm lưng ấy che rét mướt, che mưa bão. Họ cẩn thận ve cây mạ đủ nhỏ và cắm chúng xuống ruộng, từng hàng và thành lối, ngay ngắn, những cây mạ giờ này đã chính thức rời bỏ nhà trẻ của chúng, nơi đây sẽ là nơi chúng thành người lớn, tha hồ phát triển, không còn chật hẹp nữa, không còn thiếu chất dinh dưỡng, chúng được tha hồ lớn, tha hồ phát triển, cánh đồng mới cấy chỉ sau hai tuần là đã cảm nhận được sức vươn rõ rệt của mạ non, chúng đang chuẩn bị thành thiếu nữ ... Họ sẽ gọi chúng là lúa chứ không phải mạ nữa ...

Người nông dân chăm sóc lúa không quá vất vả như khi chúng được cấy. Thi thoảng lấy nước vào ruộng để không cho chúng bị khô hạn, phun thuốc trừ bệnh cho chúng đều đặn và bón phân ...

Có những năm bị khô hạn, lúa chết hết, cả làng lâm vào cảnh đói, cũng có những năm lúa sâu bệnh, cả làng lại thiếu ăn ... Cây lúa đã là cây lương thực chính của dân ta từ lâu lắm rồi, nó biểu hiện cho sức sống của con người, nó nhiều dân mạnh giàu no ấm, nó ít dân đói khổ, nó đại diện cho sự tồn tại của người nông dân, họ ở đâu cây lúa ở đó ...

Sau khoảng 2 tháng cây lúa ra hoa, đây là lúc cây lúa đẹp nhất trong cuộc đời của chúng. 
Từ trong giữa thân cây lúa đã ôm đòng tự bao giờ, nó dài ra và vươn khỏi bọc lá chùm nụ, hai vỏ trấu được hình thành tự bao giờ, nó mở lòng mình ra để lộ nhuỵ và nhị hoa, hương thơm từ hoa toả ra làm thơm ngát cả cánh đồng, người nông dân vui mừng nhìn hoa lúa, họ nâng niu, trông nom, lấy nước vào ruộng, bón thêm phân cho cây lúa khoẻ mạnh hơn ...

Sau khoảng thời gian ngắn, được thụ phấn, những hoa lúa khép mình lại, hai vỏ trấu khăng khít với nhau bao bọc lấy một cái nhân nhỏ xíu, là kết tinh của mưa nắng, bão, chất dinh dưỡng, nhân ấy lớn thật nhanh biến mình thành hạt gạo thơm, căng tràn. 

Một lần nữa, và là lần cuối trong sự đau đớn của cây lúa, đã ba tháng, hạt lúa đã trĩu bông, vàng thơm như những hạt ngọc giữa đồng, người nông dân lấy những chiếc liềm sắc ngọt mà đặt vào giữa thân cây lúa, cắt xén và bó lại thành từng bó lớn, mẹ lúa đau đớn vẫn ôm chặt lấy bông hạt, người nông dân chở lúa về nhà, cho vào máy đập lúa đang quay những vòng điên cuồng như muốn quần nát mẹ con cây lúa, hạt thóc được tách ra khỏi mẹ lúa, thân xác lúa bị dập nát biến thành rơm ....

Hạt thóc phải chịu đựng nóng rát, phải tới ba ngày nắng to, chúng khô lại, vàng thậm như màu mật ong, chúng được đóng bao lại thật chặt và để vào kho ... 

Để thành hạt cơm thơm dẻo, hạt thóc phải chịu đựng bao đau đớn nữa, chúng bị cho vào máy mà chà, mà đập, mà mài để thành hạt gạo thơm trắng ngọc, rồi chúng lại vào nồi mà bị nung chín, nở ra và mềm mại, mùi thơm từ thân thể chuag toả ra, làm ấm lòng người làm ra chúng, người nông dân đồng hành cùng những hạt thóc đầu tiên tới tận khi thành hạt cơm thơm dẻo, biết bao công sức, bao mồ hôi, bao nhọc nhằn nắng mưa kết tinh trong nhân hạt trắng trong thơm ngát ...

Lần này tôi về quê, đã bao lâu rồi không biết nữa, lâu lắm rồi ... Đúng vào dịp cả làng đang vào mùa gặt hái, tiếng máy nổ ầm vang ngoài đồng, tiếng máy đập lúa, tiếng máy chở lúa, tiếng cười reo vang của các cô đi gặt...tất cả hoà trộn lại cùng mùi thơm của thân lúa bị cắt ứa nhựa ra, tất cả đều làm tôi xao xuyến, hai chữ quê hương hiện lên mà ấm cúng, thân thuộc ...

No comments:

Post a Comment