Tuesday, July 30, 2013

Những câu chuyện hay trong kinh doanh

Ăn khế trả vàng

 

>> Xem thêm: Những bài học trong kinh doanh

Một xưởng làm cửa cuốn ở tỉnh Hồ Nam, thuộc loại doanh nghiệp nhỏ, đã dùng một sách lược quảng cáo độc đáo như sau: Dùng một phương thức nào đó đánh động một cơ quan có đủ khả năng gây ảnh hưởng tới sản phẩm của mình, khiến họ ưu ái sản phẩm của mình. Song làm sao để giành được lòng tin của họ đây?

Chỉ một thông tin mà người khác xem ra rất bình thường đã mang lại một linh cảm cho người xưởng trưởng. Tháng 8 năm 1987, một Viện thiết kế xây dựng của một thành phố nọ được bình chọn là Viện loại A. Ông chủ xưởng cửa cuốn thấy đây là một cơ hội tốt để tạo tình cảm tốt nên đã lập tức tới tờ báo X. thuê đăng một đoạn quảng cáo, nội dung chúc mừng Viện nọ. Rồi ông còn tới cả đài phát thanh để thuê quảng cáo thông tin này. Những thông tin liên tục đó đã làm cho Viện thiết kế kia chú ý tới, và thế là họ đã chủ động tới xưởng, hỏi han tình hình có liên quan, rồi tiến hành điều tra chất lượng loại cửa cuốn của xưởng. Sau khi thấy chất lượng cửa rất đáng tin cậy, Viện trưởng Viện thiết kế đã quyết định: Từ nay về sau, tất cả các công trình do Viện thiết kế mà cần tới cửa cuốn, đều sẽ đặt hàng ở xưởng này.

Xưởng cửa cuốn đã khéo léo lợi dụng Viện thiết kế xây dựng để quảng cáo cho mình. Tiếng tăm của xưởng vang xa, lượng người dùng cũng tăng lên nhiều.


Kiểu bán hàng độc chiêu


Vào trước đêm khai mạc Thế vận hội Olympic Barcelona có một ông chủ cửa hàng điện máy cho đăng một quảng cáo trên truyền hình khích lệ dân chúng ở đây rằng: “Nếu các vận động viên Tây Ban Nha trong kỳ Đại hội này giành được 10 tấm huy chương vàng thì bất kỳ ai tới mua hàng ở cửa hiệu tôi đều do cửa hiệu trả tiền”.

Sau khi quảng cáo này được đưa ra, tiêu thụ của cửa hàng đột ngột tăng lên, ông chủ cười rạng rỡ. Nhưng có ngờ đâu, chỉ mới qua nửa chặng được, đoàn Tây Ban Nha đã được 10 huy chương vàng, một huy chương bạc. Những người mua hàng đều được ông chủ tính toán chi trả cho. Khách càng ngày càng đông, hàng bán không kịp. Tuy nhiên, như vậy đau phải là việc tốt, chẳng phải bán càng nhiều thì càng bù lỗ nhiều hơn ư? Khách hàng cũng tự nghĩ, chắc chắn ông chủ này sẽ bị phá sản.

Nhưng những điều lo lắng của khách đều là thừa, vì để trả tiền, ông chủ không phải bỏ ra một xu nào cả, tất cả đều do công ty bảo hiểm rủi ro trả hết. Bởi trước khi quảng cáo, ông chủ đã ký với công ty bảo hiểm một hợp đồng bảo hiểm riêng rồi. Nhưng do các chuyên gia phân tích thể thao của công ty bảo hiểm đã phân tích sai lầm tình thế, nên đã cho rằng vận động viên Tây Ban Nha không thể giành quá 10 huy chương vàng được. Họ đã vui vẻ ký bảo hiểm với ông và đã phải bỏ ra hàng triệu đôla tiền đền bù.

Thuật bán nguyên giá


Shimamura Yoshio là chủ tịch Hội đồng quản trị công ty công nghiệp Shimamura Tokyo, ông sống thành thật, thiên chức thông minh. Khởi đầu sự nghiệp, ông làm nhân viên bán hàng cho một nhà máy nguyên liệu bao gói, sau đổi nghề làm buôn bán dây thừng, ông đã áp dụng phương pháp bán nguyên giá.

Thế nào là thuật bán nguyên giá? Nói ra thì rất đơn giản: Trước tiên ông đến nhà máy sản xuất dây thừng đặt mua loại dây mỗi sợi dài 45cm với giá 0,5 yên Nhật, sau đó bán lại nguyên giá mua cho các nhà máy vùng Tokyo. Cách buôn bán hoàn toàn không có lời này được ông duy trì hơn một năm. Tiếng tăm “dây thừng của Shimamura thật sự rẻ” bay đi bốn phương, đơn đặt hàng từ khắp nơi bay về như bông tuyết mùa đông.

Đến lúc này, Shimamura bắt đầu tiến thêm một bước. Ông cầm hóa đơn mua hàng của nhà máy đến từng hộ đặt hàng nói: “Cho đến hôm nay, tôi không lấy một đồng tiền lời nào của các vị. Nhưng, cứ tiếp tục phục vụ như thế này cho các vị, tôi chỉ còn cách đi theo con đường phá sản”. Các hộ khách rất cảm động trước tinh thần phục vụ chân thành của ông, đã tình nguyện nâng giá giao hàng lên 0,55 yên một sợi.

Đồng thời, ông lại đến nhà máy sản xuất dây thừng thương lượng: “Các ông bán cho tôi mỗi sợi 0,5 yên, tôi luôn luôn vẫn bán nguyên giá cho người khác, do đó mới có được đơn đặt hàng nhiều như ngày nay. Nếu tôi cứ tiếp tục bán nguyên giá như thế này, tôi chỉ có thể phá sản”. Phía nhà máy xem phần gốc hóa đơn của ông bán cho khách hàng, bỗng giật mình. Một người buôn bán tình nguyện không lấy tiền lời như thế này, nhà máy sản xuất dây thừng lần đầu tiên mới gặp. Vậy là không chút do dự, họ tình nguyện hạ giá bán cho ông mỗi sợi còn 0,45 yên. Thế là, theo tính toán lượng giao hàng lúc đó mỗi ngày là mười triệu sợi, lợi nhuận một ngày của ông là một triệu yên Nhật. Sau hai năm lập nghiệp, không những ông trở thành người kinh doanh nổi tiếng Nhật Bản, mà phương pháp bán hàng của ông được giới thương gia gọi là “Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio”




Tất hai đôi bán chạy


Ở một thành phố nọ của Giang Tô có một xưởng dệt bít tất (vớ), loại rất mỏng và dài do chất lượng tốt nên rất được phụ nữ hoan nghênh. Trong một lần, xưởng trưởng ngẫu nhiên nghe thấy một khách hàng nữ nói: “Loại tất dài này rất chóng rách. Một mùa hè phải hỏng tới mấy đôi, nên tôi thường mua cả tá”.


Nghe thấy thế, ông chợt nghĩ loại tất này do quá mỏng nên dễ bị hỏng cũng không có gì lại. Nhưng có thể tìm cách nâng cao tuổi thọ tối đa của nó không? Nếu giải quyết tốt vấn đề này, chắc chắn khách hàng càng hoan nghênh hơn.

Trở về xưởng, ông cho triệu tập những người có liên quan lại thảo luận vấn đề này. Xưởng trưởng đưa ra ý kiến từ sự gợi ý của người khách hàng kia rằng, trước nay hàng xuất xưởng đều đóng thành từng đôi một. Liệu nay có thể đóng gói bốn chiếc với kiểu dáng, kích cỡ và màu sắc y hệt nhau, để khi đi hỏng một chiếc, thì lấy chiếc khác ra thay? Như vậy sẽ tiết kiệm cho khách, chứ không như trước rách một chiếc là phải vứt cả đôi đi.

Từ khi loại túi hàng “Tất hai đôi” ra đời rất được mọi người hoan nghênh. Một tháng tung ra thị trường mấy vạn túi mà vẫn bán hết veo. Sau đó, khách hàng cả nước đến đặt hàng rất đông, xưởng dốc toàn lực sản xuất mà cung vẫn không đủ cầu.



Từ từ giảm giá


Fallin là một thương gia nổi tiếng của nước Mỹ. Ông thấy có rất nhiều hàng tồn đọng không bán được, trong lòng rất lo lắng. Ông suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng nghĩ ra một cách. Ông mở một cửa hàng ở khu phồn hoa của trung tâm thành phố Boston và quảng cáo trên truyền hình, tuyên truyền cửa hàng này có một phương pháp kinh doanh khác với mọi người.
Phương pháp đó là: 12 ngày đầu sản phẩm bán theo giá xuất xưởng, từ ngày 13 đến ngày 18 giảm giá 25%, từ ngày 19 đến ngày 24 giảm giá 50%, từ ngày 25 đến ngày 30 giảm giá 70%, từ ngày 31 đến ngày 36, nếu vẫn không có người mua, sản phẩm được tặng cho quỹ từ thiện.

Phương pháp kinh doanh khác người của cửa hàng này lập tức trở thành đề tài bàn tán của mọi người. Hầu như tất cả những ai biết đến sự kiện này đều muốn một lần tới xem cửa hàng này. Mọi người đều dự đoán: “Thằng cha ngốc nghếch này thế nào cũng khuynh gia bại sản”. Vì, nếu tất cả khách hàng đều đợi đến ngày giảm giá thấp nhất mới mua hàng, chắc chắn cửa hàng sẽ lỗ to sao?

Nhưng, sự thật sản phẩm của cửa hàng này bán rất chạy, không bao lâu, số sản phẩm ứ đọng nhiều năm nay đều bán hết sạch.

Sự thông minh của Fallin là ở chỗ đoán được tâm lý của khách hàng: ngày hôm nay không mua, ngày mai sẽ bị người ta mua hết, tốt nhất là mua trước còn hơn.



Cửa hàng càng bừa bộn càng bán chạy


    Khi ông chủ hãng bán lẻ Pantaloon của Ấn Độ quyết định thiết kế lại các gian hàng cho có vẻ bừa bộn, chật chội, thì thật bất ngờ, kế hoạch tưởng chừng như điên rồ này lại đem về lợi nhuận khổng lồ và biến Pantaloon thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Ấn Độ.

    Ông Kishore Biyani, năm nay 45 tuổi, đã gây dựng được một cơ nghiệp lớn - tập đoàn Pantaloon Retail Ltd. - dựa trên một nguyên lý đơn giản: Sự lộn xộn cũng có thể đem lại lợi nhuận.

    Người Mỹ và châu Âu có thể thích mua sắm ở các cửa hàng sạch sẽ và yên tĩnh, nơi hàng hóa được bày biện ngăn nắp. Nhưng khi ông Biyani thử nghiệm mô hình này tại các siêu thị mang phong cách phương Tây mà ông mở tại Ấn Độ cách đây 6 năm, rất nhiều khách hàng đã lướt qua lối đi rộng rãi của siêu thị, chẳng đếm xỉa gì đến các kệ hàng được bày biện gọn gàng, ngăn nắp và… đi thẳng ra cửa mà chẳng mua thứ gì.

    Ông Biyani nhanh chóng nhận ra rằng ông đã làm sai điều gì đó. Rõ ràng là người tiêu dùng bình dân không hứng thú với việc mua hàng ở một nơi sạch sẽ một cách lạnh lẽo như vậy, trong khi đây lại là đối tượng khách hàng mà ông muốn nhắm đến. Có vẻ như họ thấy thoải mái hơn khi ở trong các cửa hàng nhỏ, chật hẹp và thường huyên náo tiếng người mua kẻ bán trò chuỵên, mặc cả.

    Hầu hết người Ấn Độ đều có thói quen mua nông sản tươi ở các sạp hàng ngoài trời hoặc xe bán rong, nơi rau quả được đựng trong bao tải.

    Vì thế, ông Biyani đã cho thiết kế lại các cửa hàng để chúng trông có vẻ bừa bộn và chật chội hơn. “Ngay cả những củ hành đã có chấm đen và trông bẩn bẩn trong cửa hàng cũng có nói lên được điều gì đó. Với những người tiêu dùng Ấn Độ bình dân thì rau quả trông hơi bẩn một chút mới là sản phẩm tươi được thu hoạch từ trang trại,” ông nói.

    Thêm vào đó, người tiêu dùng Ấn Độ thích được mặc cả khi mua hàng. Ông Biyani không cho phép chuyện mặc cả trong hệ thống cửa hàng của mình, nhưng ông lại cho xếp chung cả rau quả chất lượng tốt lẫn với hàng xấu trong cùng một thùng, để người mua có cơ hội lựa chọn từng mớ rau hay quả cà chua, và nghĩ rằng việc chọn được hàng tốt đã là một “thắng lợi”.

    Toàn bộ ý tưởng kinh doanh độc đáo này đã giúp ông Biyani “kiếm bộn” và giờ đây đưa Pantaloon trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Ấn Độ, với doanh thu dự kiến đạt hơn 875 triệu USD trong năm tài chính 2007-08 (kết thúc vào tháng 6/2008). Pantaloon hiện được định giá khoảng 630 triệu USD, trong đó, ông Biyani và gia đình sở hữu 42%.

Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng


    Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart vừa ký hợp đồng thành lập liên doanh với Bharti Enterprises Ltd. - một trong những công ty hoạt động truyền thông, bảo hiểm và bán lẻ lớn nhất của Ấn Độ. Theo đó, liên doanh sẽ thiết lập một hệ thống cửa hàng bán buôn để cung cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ, các nhà máy và nông trại ở Ấn Độ.

    Bharti dự kiến sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới cửa hàng nhỏ và siêu thị trên cả nước. Wal-Mart buộc phải đi theo hướng này để thâm nhập thị trường Ấn Độ vì luật pháp nước này không cho phép các tập đoàn bán lẻ lớn bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng - nhưng họ có thể kinh doanh hoạt động bán buôn và cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các công ty bán lẻ của Ấn Độ.

    Nhiều tập đoàn bán lẻ lớn khác, như Tesco của Anh quốc và Carrefour của Pháp, cũng đang nhắm đến thị trường Ấn Độ. Tất cả đều muốn khai thác tiềm năng của thị trường tiêu dùng rộng lớn và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng này.

    Ngày càng nhiều phụ nữ Ấn Độ cũng đi làm như đàn ông chứ không chỉ ở nhà chăm con và họ không có thời gian ghé qua nhiều cửa hàng để mua sắm mà muốn vào một cửa hàng lớn, có đầy đủ mọi thứ thiết yếu.

    Những gia đình giàu có ởẤn Độ thường thuê người giúp việc và giao việc mua sắm cho họ. Nắm bắt được điều này, Pantaloon đã thiết kế, bố trí các gian hàng độc đáo, nhằm tạo sự thoải mái, dễ chịu nhất cho đối tượng khách hàng này - những người giúp việc chứ không phải các ông bà chủ giàu có sang trọng.

    Ông Biyani đã chia 1,1 tỷ dân Ấn Độ thành 3 nhóm người tiêu dùng. Nhóm 1 gồm những người cso trình độ học vấn cao, nghề nghiệp ổn định, thu nhập khá. Đây là nhóm khách hàng mục tiêu của nhiều công ty nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Ấn Độ. Theo ông Biyani, nhóm khách hàng này chiếm khoảng 14% dân số Ấn Độ.

    Đối tượng khách hàng mà ông Biyani xác định là tiềm năng nhất thuộc Nhóm 2, gồm những người làm nghề lái xe, giúp việc, đầu bếp, trông trẻ, nông dân và những ai làm thuê cho Nhóm 1. Theo ông, nhóm này chiếm khoảng 55% dân số Ấn Độ, tức là khoảng 550 triệu người.

    Nhóm 3 gồm những đối tượng còn lại - sống ở mức nghèo khó - không phải là khách hàng tiềm năng của hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại.

    Ông Biyani cho rằng bất cứ công ty bán lẻ nào cố gắng mở cửa hàng kiểu phương Tây ở Ấn Độ đều sẽ bỏ lỡ nhóm khách hàng tiềm năng nhất. “Mọi người thường thích học theo phương Tây, nhưng ở Ấn Độ thì khác,” ông nói. Và thành công của ông trong ngành bán lẻ Ấn Độ là một minh chứng rõ ràng nhất.

Những nghịch lý


    Biyani chính là người đã sáng lập ra hai hệ thống cửa hàng Big Bazaar và Food Bazaar lớn nhất hiện nay ở Ấn Độ. Food Bazaar là hệ thống gồm 89 siêu thị trên khắp Ấn Độ, chuyên bán thực phẩm còn hệ thống cửa hàng Big Bazaar chuyên bán đồ gia dụng và quần áo, và thường ở cùng một nơi với Food Bazaar.

    Big Bazaar và Food Bazaar đem lại hơn 60% doanh thu hàng năm của Tập đoàn Pantaloon.

    Cả hai hệ thống cửa hàng Big Bazaar và Food Bazaar đều cố gắng tạo một không gian tương tự như các khu chợ ngoài trời ở Ấn Độ, với sàn nhà lát đá granite màu xám - loại thường thấy ở các khu chợ và nhà ga vì thế những khách hàng lần đầu đến mua sắm trong một cửa hàng rộng lớn và hiện đại của họ sẽ có cảm giác quen thuộc như ở nhà.

    Thay vì các lối đi dài, rộng và kệ hàng cao, các siêu thị để cả đống hàng hóa trong các thùng và bày trên các giá hàng thấp. Đây là kết quả của việc nghiên cứu hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Ông Biyani cho biết thói quen mua hàng ngoài chợ từ mấy chục năm nay khiến đa số người tiêu dùng Ấn Độ cảm thấy thoải mái hơn với việc nhìn xuống để tìm và chọn hàng khi đi chợ.

    Các lối đi hẹp sẽ tạo sự “ách tắc” cố ý, khiến khách hàng phải dừng lại và xem hàng. Tháng trước, một cửa hàng của ông ở Mumbai đã thay kiểu lối đi thẳng và dài bằng thiết kế lộn xộn hơn một chút. Kết quả là doanh số tăng 30%.

    Mặt khác, người tiêu dùng Ấn Độ không quen với các loại hàng hóa chế biến và đóng gói sẵn, vì thế hệ thống cửa hàng của Pantaloon để lúa mì, gạo, đỗ và các loại ngũ cốc khác trong những thùng lớn. Như vậy, các bà nội trợ có thể bốc thử lên tay để kiểm tra chất lượng sản phẩm, thậm chí là đưa lên mũi ngửi. Ông Biyani còn yêu cầu nhân viên bán hàng không cần phải dọn dẹp các gian hàng quá sạch sẽ vì ông nhận thấy khách hàng ít chú ý tới sản phẩm được bày biện trật tự và gọn gàng. Có vẻ như điều đó đồng nghĩa với việc đấy là loại hàng chẳng có ai nhòm ngó tới.

    Thêm một đặc điểm nữa là người Ấn Độ thường thích trò chuyện, tham khảo ý kiến và tranh luận một chút khi mua hàng nên hệ thống cửa hàng Big Bazaar và Food Bazaar có số nhân viên bán hàng đông gấp 3 lần của Wal-Mart. Có một vài nhân viên đi vòng quanh cửa hàng và dùng loa để giới thiệu các chương trình khuyến mại, hòa vào tiếng nhạc phát ra từ hệ thống loa chung và tiếng trò chuyện của khách hàng. Tất cả tạo nên một không gian huyên náo, vui vẻ.

    Tiếng Anh là ngôn ngữ khá phổ biến ở Ấn Đô, nhưng các thông báo hay quảng cáo trong cửa hàng của ông Biyani đều dùng tiếng địa phương. Ông cho rằng như vậy sẽ tạo sự thân thuộc hơn.

    Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ. Hệ thống cửa hàng của Pantaloon sử dụng phần mềm quản lý do tập đoàn công nghệSAP của Đức cung cấp, nhằm tìm ra khi nào thì một nhãn hiệu mỳ hoặc bún không bán chạy ở Bangalore, hay thiếu nguồn cung cấp sữa đông (dùng làm pho-mát) ở Kolkata. Hơn 50.000 mặt hàng được phân phối và quản lý theo nguyên tắc “just-in-time”, tức là hết tới đâu nhập hàng tới đó. Đồng thời, các cửa hàng phải có nhiều quầy thu ngân nhằm đảm bảo việc tính tiền cho khách hàng không bị chậm trễ.

    Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực mô phỏng chợ ngoài trời của ông Biyani đều đem lại hiệu quả. Năm 2005, có hàng nghìn người xếp hàng trước các cửa hàng Big Bazaar trong đợt giảm giá hàng năm, khiến ông buộc phải ra lệnh đóng cửa hàng sớm và gọi cảnh sát nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra bạo loạn. Tại Bangalore, cảnh sát đã phải yêu cầu lãnh đạo một cửa hàng Big Bazaar kéo dài thời gian giảm giá thêm một ngày để “hạ hỏa” đám đông hỗn loạn. Hiện nay, chương trình giảm giá hàng năm của Pantaloon kéo dài 3 ngày và ông Biyani phải cho chăng dây thừng để kiểm soát những dãy người xếp thành hàng dài.



Nhân sự cố bồi đắp niềm tin


Ngày 27 tháng 4 năm 1988, một chiếc máy bay chở khách Boeing 737 của Mỹ, sau khi cất cánh không lâu, đã bị nổ tung, khoang trước bung ra một lỗ lớn diện tích chừng 6m2. Sau những cố gắng, máy bay đã hạ cánh an toàn xuống một sân bay gần đó, hành khách và tổ lái đều an toàn.

Nhưng công ty Boeing không hề né tránh sự cố này, mà còn chủ động tuyên truyền rộng rãi. Họ nói rằng nguyên nhân gây sự cố là do máy bay quá cũ, vỏ máy bay quá “mệt mỏi”, gây ra. Chiếc máy bay này đã bay 20 năm, với 9 vạn lần lên xuống, vượt qua nhiều lần hệ số an toàn. Nhưng máy bay sau khi có sự cố vẫn hạ cánh an toàn cũng đủ nói lên độ tin cậy của Boeing. Loại máy bay Boeing mới đã giải quyết được vấn đề trục trắc ở phần vỏ, do đó mua Boeing loại mới là cực kỳ an toàn.

Như vậy là qua sự tuyên truyền kịp thời và thành thực, công ty đã chuyển từ thế bị động thành chủ động, chẳng những không làm tổn hại thanh danh công ty, mà còn giành lại được niềm tin của khách hàng. Sau sự cố này, đơn đặt hàng tăng vọt lên. Chỉ tính riêng trong tháng 5, lượng đơn đặt hàng xấp xỉ bằng cả một mùa sản xuất.

 Khuếch trương cái này, dụng ý cái kia


Làm ra vẻ đánh phía Đông, thực chất đánh phía Tây, khiến đối phương mải đối phó với ý đồ giả tưởng để rảnh tay thực hiện kế hoạch của mình - Đó chính là cốt lõi của kế sách Giương Đông kích Tây trong bộ Kế sách làm giàu.
Ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh của kế sách này là đánh lạc hướng bằng thông tin và hành động để hướng đối thủ cạnh tranh chú ý hoặc hành động theo hướng khác với mục tiêu kinh doanh thực của mình. Từ đó rảnh tay thực hiện để kế hoạch của mình thành công.

Bán lạc rang, thu lời lớn


Cậu bé Hari 15 tuổi lúc đó làm chân loong toong trong một rạp xiếc, nhiệm vụ của cậu là đứng ở trước cửa rạp để chào khách. Vốn là người thông minh và lanh lợi, một hôm cậu xin ông chủ cho mình được bán đồ uống trong rạp. Ông chủ đồng ý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến thu nhập của đoàn xiếc. Cậu mua lạc và nước chanh rồi ngồi rang lạc trong nhà, vừa rang lạc cậu vừa cho thêm muối và gia vị vào. Khi mọi việc đã xong, cậu mang lạc đến chỗ người bán vé và rao to: “Mua một vé được tặng một gói lạc rang đây”. Khán giả vừa xem xiếc vừa ăn lạc rang, cho đến khi những cơn khát hành hạ họ. Đúng lúc đó cậu bé thông minh mang nước chanh ra bán, tất nhiên là cậu bán hết sạch và thu lời to. Miệng nói là tặng lạc rang, nhưng thực chất là bán vé và nước chanh, đánh vào cái lợi trước mắt, cậu bé đã thành công.

Coca mới và Coca truyền thống


Coca Cola là hãng đồ uống nổi tiếng của Mỹ. Trên thị trường Mỹ việc cạnh tranh trong lĩnh vực này hết sức gay gắt.

Tháng 5/1984, Coca Cola đột nhiên tuyên bố phải thay đổi công thức pha chế cũ đã tồn tại suốt 99 năm, và muốn áp dụng công thức pha chế mới tạo ra. Tin tức truyền đi làm chấn động công chúng, hàng ngàn cú điện thoại và thư kiến nghị phản đối của người tiêu dùng tới tấp gửi đến Cty. Một số cửa hàng bán đồ uống Coca Cola cũng giảm bớt hoặc từ chối tiêu thụ hàng của Cty.

Tình hình này làm cho các đối thủ của Coca - Cola rất vui mừng, họ cho rằng cách làm của Coca Cola là một thất bại to lớn trong lịch sử kinh doanh nước Mỹ, từ đó họ ra sức tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi mọi người chuyển sang đồ uống theo công thức truyền thống của các nhãn hiệu cũ. Sau khi tuyên bố thay đổi công thức pha chế đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, Coca Cola lại ra một tuyên bố mới: Tôn trọng nhu cầu của khách hàng, Cty sẽ cùng sản xuất cả hai loại công thức cũ và loại công thức mới. Người tiêu dùng ưa thích Coca Cola trên toàn nước Mỹ đều hết sức vui mừng, họ đổ xô đi uống Coca Cola nhãn hiệu cũ, đồng thời cũng tranh nhau mua sản phẩm Coca Cola nhãn hiệu mới để so sánh chất lượng. Chỉ trong một thời gian cơn sốt Coca Cola được dấy lên mạnh mẽ, kéo theo lượng tiêu thụ sản phẩm của Coca Cola tăng thêm 8% so với cùng kỳ năm trước. Mỗi một cổ phiếu của Cty cũng tăng thêm 2,57 USD.

Coca Cola đã thành công nhờ Giương Đông kích Tây. Họ đã khéo léo khi tạo cho các đối thủ cạnh tranh niềm tin tưởng rằng họ đang phải chịu áp lực, tin rằng những sự việc họ đưa ra hoàn toàn là sự thật, để rồi bất ngờ phản công giành thắng lợi một cách hiệu quả và nhanh chóng.



Trúng hợp đồng nhờ... xe!


    Không chỉ để đi lại, xe còn là phương tiện hỗ trợ đắc lực trong kinh doanh. Nhiều người nhờ chiếc xe mà lấy được những hợp đồng béo bở.

    Ra đời đã được gần ba năm, nhưng công ty cổ phần truyền thông do Trọng Nghĩa làm giám đốc vẫn cứ lẹt đẹt mãi. Anh kể: “Lúc đầu, “chạy” những hợp đồng quảng cáo, in ấn trị giá 40 - 50 triệu đồng là chuyện gần như không tưởng. Nhưng sau khi sắm chiếc Innova để tiện đi lại chạy hợp đồng thì tình hình làm ăn của công ty bỗng khác hẳn”.

    Lý do: đi thương lượng hợp đồng mà ông giám đốc cưỡi xe máy nên khách hàng do dự. Hình ảnh chiếc xế nổ cũ mèm không làm khách hàng tin vào năng lực kinh doanh của công ty.

    Phát hiện ra điều này, anh Nghĩa quyết định vay ngân hàng để sắm bằng được chiếc xế hộp. Từ đó, công ty làm ăn khấm khá hẳn vì hình ảnh vị giám đốc giờ đã khác, phong độ và lịch lãm hơn bên chiếc xe mới.

    Từ chiếc xe xịn của mình mà Mạnh Thắng, giám đốc một công ty truyền thông quảng cáo cũng có những câu chuyện đáng nhớ. Dù công ty đã có một chiếc xe hơi, anh vẫn quyết định sắm thêm chiếc Prado cho riêng mình. Nhờ may mắn, anh còn có được chiếc biển số đẹp “lộc phát.

    Mạnh Thắng kể rằng một lần xuống đất cảng thương thảo và ký hợp đồng quảng bá thương hiệu cho một công ty kinh doanh vận tải và xuất nhập khẩu, do không thoả thuận được nên cuộc thương lượng đi vào ngõ cụt. Anh ra xe về.

    Nhưng chưa ra khỏi thành phố thì thấy tài xế của đối tác đuổi theo gọi quay lại. Anh tài xế này “bật mí”: Ông đối tác thấy anh đi chiếc xe có biển số rất đẹp nên có ấn tượng tốt với anh. Do đó ông này nghĩ nếu làm ăn với anh sẽ có thể nhờ cậy được…

    Còn anh Minh Thông lại có được hợp đồng trong trường hợp khá hy hữu. Trong một lần vào thành phố Vinh tham dự buổi hội thảo về công nghệ thông tin, anh đã làm quen một vị khách cũng hoạt động trong ngành này.

    Sau anh mới biết vị khách này là giám đốc một công ty công nghệ thông tin có tiếng ở Hà Nội, trong khi anh lại là một đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm này về các tỉnh. Chuyến đi đó, ông khách đã cho tài xế mang sản phẩm mẫu và tài liệu về trước để công ty kịp làm kế hoạch và hợp đồng.

    Không bỏ lỡ cơ hội, Minh Thông đã mời ông ta cùng về theo xe riêng của mình. Kể từ đó, hai công ty đã bắt tay hợp tác làm ăn khá lớn: công ty của Minh Thông trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của khách hàng mà anh đã làm quen tại hội thảo.

    Nhiều người nhờ hình ảnh chiếc xế xịn mà có thể có được ấn tượng với đối tác và qua đó có mối quan hệ làm ăn ít ai có được. Chuyện một vị đại gia đi xe xịn bây giờ không hiếm, nhưng đi xe “độc” lại được nhiều người quan tâm. Chính sự quan tâm đó lại mở đường cho chuyện kinh doanh của chủ nhân chiếc xe.

 Nhân viên bán hàng giỏi nhất thế giới


George Gerad được mệnh danh là nhân viên bán hàng giỏi nhất thế giới. Trong 15 năm, ông đã bán được 13001 chiêc xe ôtô, và lập kỷ lục trong một năm bán được 1425 chiếc (trung bình 4 chiếc mỗi ngày). Thành tích tuyệt vời này đã được đưa vào sách Kỷ lục Guiness. Bạn có muốn biết bí quyết của George không? Hãy lắng nghe câu chuyện của ông:

Tôi nhớ một lần có một quý bà bước vào phòng trưng bày xe của tôi và tỏ ý muốn được tham quan một chút. Trong quá trình tiếp chuyện, bà cho biết muốn mua một chiếc xe Ford màu trắng giống như chiếc mà chị họ của bà đang đi. Nhưng nhân viên kinh doanh ở đại lý xe Ford đối diện bảo bà chờ một tiếng nữa hãy quay lại, vì thế bà mới sang đây xem. Bà ta còn nói chiếc xe là món quà sinh nhật bà tự tặng cho mình nhân dịp 55 tuổi.

- Chúc mừng sinh nhật, thưa phu nhân! – Tôi vừa nói vừa mời bà cứ vào phía trong xem tự nhiên. Sau đó tôi ra dặn dò thư ký, rồi quay lại nói với bà:

- Thưa phu nhân! Được biết bà muốn mua một chiếc xe màu trắng, rất may là bây giờ bà đang có thời gian nên tôi muốn giới thiệu với vài loại xe con hai cửa màu trắng của chúng tôi.

Khi chúng tôi đang nói chuyện thì thư ký của tôi bước vào với một bó hoa to đẹp. Tôi tặng bà ta và nói:

- Chúc bà sống lâu trăm tuổi!

Hiển nhiên bà ta rất cảm động, nước mắt cứ chực trào ra:

- Đã rất lâu rồi tôi không được tặng quà như thế này. Vừa nãy nhân viên bên cửa hàng Ford nhìn thấy tôi lái một chiế xe cũ, có lẽ nghĩ tôi không đủ tiền mua, nên anh ta liền nói cần phải đi thu tiền ở đâu đó và phiền tôi quay lại sau, vì vậy tôi mới sang đây. Thực ra, tôi chỉ muốn mua một chiếc xe màu trắng thôi, nhưng vì chị họ của tôi đi xe Ford nên tôi cũng muốn như thế. Giờ nghĩ lại, thì không phải xe Ford cũng được.

Cuối cùng, bà ta chọn mua một chiếc xe màu trắng tuyết không phải của hãng Ford và viết một tờ chi phiếu thanh toán hết số tiền mua. Kỳ thực từ đầu đến cuối câu chuyện, tôi không hề khuyên bà ta đừng mua xe Ford. Chỉ là khi đến phòng trưng bày của tôi, bà ấy cảm thấy được tôn trọng, nên mới thay đổi dự định ban đầu.

No comments:

Post a Comment